Cây hoa giấy, có nơi gọi là hoa Tu Hú, hoặc hoa Móc Diều, có tên khoa học là Bougainvillia Spectabillis Willd, nguồn gốc từ Brazil (Trung Mỹ) và được trồng ở nước ta dưới dạng hoa kiểng trên dưới một trăm năm nay.
Hoa giấy tỏ ra thích hợp với phong thổ nước ta, nên được trồng rất nhiều nơi và cũng được nhiều người ưa chuộng.
Được biết, thời gian đầu mới du nhập về, loại hoa này, do mới và lạ nên hiếm và rất cao giá. Nó chỉ được trồng trước cổng ngõ của những biệt thự sang trọng mà thôi. Những vòm hoa xanh um những lá và chi chít những hoa trên những cành ẻo lả vươn dài ở trước cổng ngõ đã làm tăng thêm rất nhiều đến sự sang trọng, sự giàu sang của ngôi biệt thự.
Mặt khác, thời gian đầu, người ta cũng không biết nhân giống bằng cách nào cho nên trên thị trường hoa kiểng không thấy bày bán. Cây tuy ra hoa nhiều nhưng rốt cuộc có sinh ra được một trái nào đâu. Sau nay các nghệ nhân trồng hoa mới khám phá ra được cách nhân giống vô tính quá giản dị, nên từ đó hoa giấy mới tràn ngập thị trường, của hiếm thành ra không còn hiếm nữa. Hoa giấy từ đó đã đến cổng ngõ nhà nghèo, đã có mặt trong các vườn kiểng gia đình. Và thật tội nghiệp, có lúc nhiều người chỉ trồng làm… hàng rào như cây dâm bụt mà thôi.
Người mình gọi đó là cây hoa giấy, có lẽ theo cách “ xem mặt đặt tên” vì hoa có cấu trúc giản dị, nó chỉ là một ống dài phình ra, với 4 cánh nhỏ mỏng te như giấy do lá bắc biến thái mà thành. Cầm đóa hoa giấy trên tay quả giống như hoa giả bằng giấy, không chút hương thơm. May một điều là cây rất nhiều hoa, trong mùa nắng, hoa còn trổ nhiều hơn nên nhìn rất đẹp mắt.
Ngày nay, hoa giấy được giới chơi hoa kiểng quay trở lại, chơi dưới dạng bonsai và kiểng cổ trông vừa lạ vừa đẹp. Mặt khác, như quý vị đã biết, giống hoa này dễ trồng, dễ uốn nắn, dễ tạo dáng, mà giá cả lại phải chăng, vừa túi tiền của mọi người nên ai cũng thích.
Hoa giấy đẹp ở sắc hoa vì nhiều màu, vì sai hoa, mặc dầu hoa không vương vấn chút mùi hương nào và sớm nở tối tàn, mau rụng.
Hoa giấy cũng đẹp ở sắc lá, có loại lá xanh, có loại lá sọc, có loại lá viền trắng ngà, gọi là lá bạc, nhìn cũng lạ mắt dễ ưa.
Với người chơi kiểng cổ thì hoa giấy đẹp nhất ở phần gốc. Có những cội cây gần như rỗng cả phần lõi ruột, gốc cây già lão, sứt mẻ, bị bào mòn đậm nét tang thương, tưởng chừng như già cỗi cả trăm năm, nhưng trên những cành nhánh khẳng khiu vẫn đơm hoa chi chít. Đó là do cây dễ uốn tỉa, dễ tạo hình, tạo dáng, chỉ cần khéo tay uốn nắn rồi đục đẽo là gốc đã có u nần, thân đã có bộng rỗng… chỉ trồng năm ba năm mà cây đã có dáng cổ thụ lâu đời.
Với cây hoa giấy, đem tạo bonsai và kiểng cổ vừa dễ dàng, vùa rút ngắn thời gian hơn các giống cây kiểng khác như Kim Quít, Cần Thăng, Sung…
Hiện nay, nhờ vào sự lai tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân đam mê ngành hoa kiểng, hoa giấy đã góp mặt được hơn 20 loài, hấp dẫn lạ thường. Người ta phân loại theo màu sắc của hoa (trắng, đỏ, tím, hồng…) cấu trúc của chùm hoa (hoa chùm, hoa đơn) và màu sắc của lá (lá xanh, lá viền, lá sọc rằn). Giới chơi hoa, thưởng ngoạn hoa, dù khó tánh đến đâu cũng được vừa ý, mọi người tha hồ lựa chọn.
Và cũng do có sự đa dạng, nhiều loại đó mà số phận của cây hoa giấy trong trăm năm qua, nhiều khi cũng lận đận lao đao. Người ta xem nó như một thứ thời trang. Có lúc người ta thích hoa đơn, có lúc thiên hạ lại tìm mua hoa chùm. Một thời nhà nào cũng trồng hoa giấy chùm đỏ, sau đó lại chê quay sang trồng hoa chùm trắng, cho như vậy mới sang. Và ngày nay thì lại ưa ghép nhiều mùa vừa lạ vừa đẹp…
Ngay sắc lá cũng vậy, mỗi thời người ta ưa một kiểu. Mà sắc lá hoa giấy cũng đa dạng phong phú, có đến năm sáu thứ chứ có ít ỏi gì đâu.
Post a Comment